Tôi trở lại Tràng An vào một ngày đông để tận hưởng những khoảnh khắc bình yên, thanh khiết của miền đất sơn thủy hữu tình này khi những dòng du khách tưởng như không bao giờ dứt, nay trở nên thưa thớt hẳn.

Đất Bắc có bốn mùa: xuân – hạ - thu – đông phân biệt khá rõ, nhưng Tràng An chỉ có hai mùa: sôi động và lắng đọng. Tôi đã hai lần đến đây trong “mùa sôi động”, chứng kiến cảnh trên bộ thì “người xe như nước, áo quần như nêm”, dưới nước thì thuyền bè như lá tre rụng trên mặt sông sau một trận cuồng phong. Lúc ấy, Tràng An là chốn đô hội, Bái Đính trở thành thánh địa, và mỗi du khách dường như là một kẻ hành hương vô định nối đuôi nhau đi vào miền tâm tưởng.

Còn bây giờ, Tràng An đang ở giữa “mùa lắng động”, là lúc những lữ khách độc hành như tôi an nhiên ngắm nhìn núi non hùng vĩ, ung dung dong thuyền trên sông đi khám phá những hang động kỳ thú, viếng thăm những cổ tích trầm mặc cheo leo nơi vách núi, tự do thả hồn nơi non xanh cùng chim hót hoa đua.

Hành trình đến với di sản thế giới của Tràng An khởi duyên từ đầu thập niên 1990. Khi đó Khu di tích vua Đinh – vua Lê, một bộ phận tổ thành của Quần thể danh thắng Tràng An hôm nay, cùng với bốn di sẩn văn hóa khác của Việt Nam được lập hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Nhưng chỉ một mình Quần thể di tích Cô đô Huế được UNESCO vinh danh vào năm 1993. Có lẽ lúc đó bộ hồ sơ di sản của Cố đô Hoa Lư ngàn năm tuổi đã quá ưu ái cho những sử tích của các triều đại phong kiến Việt Nam đầu thời quân chủ, mà lãng quên phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng mà tạo hóa đã “vẽ vời” ở Tràng An, cùng những giá trị cảnh quan – sinh thái đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho chốn “non Bổng, nước Nhược” nơi hạ giới này.Hơn 20 năm sau, hồ sơ về miền đất sơn thủy hữu tình này lại xuất hiện trong các phiên họp của Ủy ban di sản thế giới thuộc UNESCO với 3 tiêu chí nổi bật: có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và tầm quan trọng thẩm mỹ mang giá trị toàn cầu về cảnh quan; nơi ghi nhận những giai đoạn phát triển quan trọng của lịch sử trái đất thông qua quá trình thay đổi địa chất và địa mạo; và là một ví dụ tiêu biểu về quá trình định cư truyền thống của con người đại diện cho nhiều nền văn hóa trong diễn trình lịch sử trải mấy ngàn năm.

Với ba tiêu chí ấy, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản thế giới hỗn hợp vào ngày 23/6/2014 tại Doha (Qatar), di sản đầu tiên ở Việt Nam và ở Đông Nam Á được vinh danh trên cả hai phương diện: thiên nhiên và văn hóa.

Cũng bởi Tràng An là một “di sản kép” nên sẽ là thiệt thòi cho những ai chỉ bị sông mây trời Tràng An quyến rũ, hay những ai chỉ quan tâm đến những tầng văn hóa khảo cổ thời tiền sử và những cổ tích ngàn năm của các triều đại phong kiến Đại Việt xưa vẫn hiện hữu nơi đây. May mắn thay, tôi không phải là một người như thế.

Tôi chọn “mùa lắng đọng” để tái kiến Tràng An là muốn tự mình khám phá một trong những nơi có cảnh quan karst đẹp và quyến rũ nhất trên thế giới. Đó là những hòn núi đá vôi “mồ hôi” thoắt ẩn, thoắt hiện trước mắt tôi khi thong dong chèo thuyền xuyên qua 12 hang động trong gần 3 tiếng đồng hồ trong vùng lõi của danh thắng Tràng An; là những thảm rừng xanh biếc với hệ thực vật và động vật đặc trưng của miền nhiệt đới phủ lên những quần thể đá vôi như giăng kín hành trình khám phá Tràng An của tôi; là sự hòa quyện giữa núi non với sông nước, rừng cây với bầu trời; giữa cao và sâu, tĩnh và động; giữa thực và ảo… để tạo một thế giới sống động, quyến rũ.

Thi thoảng, tạm rời con thuyền nhỏ xinh và bác lái đò người địa phương đáng mến của mình, tôi đặt chân lên những đền đài, miếu vũ đang náu mình dưới bóng cổ thụ cheo leo nơi mép nước. Đó là đền Trình thờ công thần của triều Đinh (968 - 980); là đền Tứ Trụ thờ bốn vị khai quốc của nước Đại Cồ Việt; là đền Trần do vị vua Đinh Tiên Hoàng (924 – 979) khai lập và vua Trần Thái Tông (1218 – 1277) trùng hưng thờ thần Quý Minh trấn giữ cửa ải phía nam của kinh đô Hoa Lư Hoa Lư; là phủ Khống thờ 7 vị trung thần của vua Đinh… Cuối ngày, tôi gõ cửa cổ tự Bái Đinh để chiêm bái Đức Phật; cúi mình tưởng niệm trước anh linh của “nhị vị hoàng đế” trong đền Vua Đinh – vua Lê, thấy trong lòng như đang vang vọng tiếng hò reo của những đứa bé chăn trâu “đánh trận cờ lau” nghìn năm trước. Những cổ tích này chính là những nốt trầm của lịch sử trong bản giao hưởng mà tạo hóa và con người đã hợp lực tạo tác về một Tràng An lộng lẫy mà cổ kính.

Chia tay Tràng An – Hoa Lư khi vầng dương đang khất dần sau dải núi Trường Yên, chợt nhớ mấy câu thơ trong bài “Vũ Lâm thu vãn” mà Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đã cảm tác khi Ngài đến Tràng An tu hành cách đây non 700 năm:

Lòng khe in ngược bóng cầu hoa

Hắt sáng bờ khe vệt nắng tà

Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ

Mây giăng như mộng tiếng chuông xa

Tràng An “mùa lắng đọng” đẹp tựa tranh, tựa thơ vậy đó.