Thị trường BĐS quận Bình Tân vẫn khởi sắc
Là một trong những quận mới thành lập, nhưng nhờ sự quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội, tập trung chỉnh trang đô thị và quy hoạch đồng bộ hàng loạt khu dân cư mới, giá trị BĐS tại quận Bình Tân thời gian qua đã tăng chóng mặt.
Có thể bạn quan tâm >>>> Có nên đầu tư mua bán căn hộ chung cư quận bình tân?

Đòn bẩy hạ tầng

Xuất phát điểm là một quận vùng ven (cuối năm 2003 được tách ra từ huyện Bình Chánh), Bình Tân gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển vì kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn thiếu và yếu, môi trường bị ô nhiễm, tồn tại hàng trăm khu dân cư tự phát. Để khắc phục những yếu kém này, ngay từ ngày đầu thành lập, chính quyền Bình Tân đã tận dụng mọi nguồn lực, thu hút đầu tư, nhanh chóng hoàn tất hàng loạt đồ án quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng và chỉnh trang đô thị.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây, Tây Nam TPHCM, Bình Tân tiếp giáp quận 6, 8, 12, Tân Phú, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Là đầu mối thông thương quan trọng của TP, Bình Tân thừa hưởng nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông đối nội lẫn đối ngoại với các tỉnh ĐBSCL, như Quốc lộ 1A, Đại lộ Võ Văn Kiệt, cao tốc TPHCM - Trung Lương, Bến xe Miền Tây... Trong tương lai gần, cùng với tuyến metro số 2 và 6 đi qua các quận, huyện khu vực phía Tây, Bình Tân sẽ hưởng lợi trực tiếp khi tuyến metro số 3a đi qua trục đường Kinh Dương Vương. Hiện nay, nhắc đến Bình Tân không ai còn xem đây là một quận vùng ven, bởi sự phát triển hạ tầng giao thông đã giúp Bình Tân xích lại gần trung tâm TP và các khu vực kinh tế trọng điểm.

Mới đây, TP đã giao Sở GTVT TPHCM tìm giải pháp thực hiện các dự án giải quyết ùn tắc giao thông tại các tuyến đường An Dương Vương - Phan Anh - Bình Long - Hương lộ 3, Tân Kỳ Tân Quý, Nguyễn Thị Tú, Lê Văn Quới nối dài; đầu tư nút giao thông Ngã tư Bốn Xã; mở rộng cầu bắc ngang kênh Lương Bèo kết nối từ đường số 40 qua đường Trần Văn Giàu từ 8m lên 16m, và cầu đi bộ vượt đường Trần Văn Giàu; đầu tư các dự án chống ngập như nâng cấp tuyến đường Hồ Học Lãm, lắp đặt cống hộp kênh liên xã, cải tạo rạch ông Búp, cải tạo rạch Bà Tiếng…

Sóng ngầm nhà đất Bình Tân ảnh 1
BĐS tại khu vực đường Tên Lửa đang nóng lên sau khi AEON Mall đi vào hoạt động. Ảnh: MINH TUẤN

Bên cạnh nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trên địa bàn quận Bình Tân cũng được phát triển mạnh, nâng cao chất lượng sống của người dân với mạng lưới trường học, cơ sở y tế đạt chuẩn quốc gia, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị... Tốc độ đô thị hóa của quận Bình Tân được đánh giá nhanh với quy mô dân số thuộc diện cao nhất TP. Nếu thời điểm tách quận năm 2003 dân số chỉ 312.000 người đến nay đã tăng trên 700.000 người. Theo thống kê, toàn quận Bình Tân có hàng trăm dự án nhà ở đã và đang triển khai, trong đó chủ yếu là dự án đất nền, nhà phố. Người dân dịch chuyển sang Bình Tân sinh sống, kinh doanh, làm việc trong các khu công nghiệp ngày một tăng do điều kiện đi lại được cải thiện, chi phí sinh hoạt hợp lý, mạng lưới trường học, cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm giải trí - thương mại - dịch vụ... phát triển khá đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu.

Giá BĐS tăng vọt

Theo khảo sát của ĐTTC, dưới tác động tích cực của đòn bẩy hạ tầng và nhu cầu ở tăng cao, thị trường đất nền, nhà phố tại nhiều khu vực Bình Tân đã rục rịch tăng giá. Thậm chí đất nền phân lô ở một số vị trí đắc địa giá tăng gấp đôi so với thời điểm BĐS đóng băng. Thị trường căn hộ cũng được đánh giá rất tiềm năng song hiện nay số lượng chung cư vẫn rất ít. Có mặt tại chung cư Full House đang trong giai đoạn hoàn thiện, chúng tôi ghi nhận nhiều khách đến tìm mua căn hộ nhưng không được do chủ đầu tư đã bán hết sau thời gian ngắn mở bán. Qua lời giới thiệu của bảo vệ, chúng tôi liên hệ anh Ph., một nhà đầu tư thứ cấp được cho đang sở hữu khoảng 10 căn hộ tại dự án này. Anh Ph. xác nhận mình đã đầu tư hơn chục căn vị trí đẹp ở 2 cao ốc Full House. Không tiết lộ giá bán gốc nhưng anh cho biết giá bán chênh lệch mỗi căn trên dưới 150 triệu đồng. Thấy khách có vẻ do dự, anh Ph. trấn an: “Căn hộ ở khu vực được mệnh danh là “tiểu khu Hồng Công này không nhiều. Ở hay đầu tư đều phù hợp. Cứ mua đi, tôi bao lời”.

Theo lãnh đạo một sàn giao dịch nhà đất đóng tại đường Tên Lửa (phường Bình Trị Đông B), chính sự phát triển vượt bậc về hạ tầng, quy hoạch bài bản, các dự án BĐS Bình Tân luôn được đón nhận tốt, tỷ lệ lấp đầy cao. Đặc biệt, dọc những cung đường như Tên Lửa, vành đai trong, đường số 7 - nơi phát triển mạnh các loại hình dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cửa hàng mua sắm - chủ đầu tư các dự án đất nền không còn hàng để bán. Muốn mua phải chấp nhận sang nhượng lại từ dân hoặc nhà đầu tư thứ cấp, với giá 30-60 triệu đồng/m2. Cũng theo vị này, BĐS Bình Tân đang rơi vào tầm ngắm và có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là sau khi AEON Mall Bình Tân chính thức khai trương vào tháng 7-2016 ở đường Tên Lửa, một số dự án nhà ở xung quanh đã ngưng triển khai trước đây, bắt đầu tái khởi động giới thiệu ra thị trường. Thí dụ, tại điểm giao giữa đường số 7 và số 4, một dự án quy mô 500 căn hộ đang được chủ đầu tư đẩy nhanh thi công phần móng, giá khoảng 1,3 tỷ đồng/căn.

Theo đồ án quy hoạch chung xây dựng quận Bình Tân đến năm 2020, diện tích đất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 716ha với 2 khu công nghiệp Tân Tạo và Vĩnh Lộc. Riêng cụm công nghiệp giày Pouyuen chiếm khoảng 62ha. Đáng chú ý, các cơ sở công nghiệp ô nhiễm sẽ di dời vào các khu, cụm công nghiệp tập trung có điều kiện xử lý. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn lao động các nơi đổ về đây làm việc. Vì vậy, nhu cầu nhà ở phân khúc trung bình - khá dự báo sẽ rất lớn.