Khâu cấp phép xây dựng cho các công trình nhà ở tại TP HCM đang gặp nhiều vướng mắc, thậm chí có trường hợp cơ quan chức năng không biết xử lý bằng quy định nào

Ngày 28/11, Sở Xây dựng TP HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP năm 2018 nhằm giải quyết những băn khoăn, vướng mắc của các quận - huyện trong việc cấp giấy phép xây dựng (GPXD) cũng như xử phạt công trình vi phạm.

Các huyện ngoại thành đều vướng



Theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, huyện có 7 đơn vị hành chính nhưng chỉ thị trấn Cần Thạnh được coi là đô thị. Nếu chiếu theo Luật Đất đai 2013, các xã còn lại được miễn GPXD, ngay cả Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng không nói về khu vực nông thôn. Dù vậy, huyện vẫn yêu cầu khi khởi công xây dựng phải có giấy phép, hướng dẫn của Phòng Quản lý đô thị. Thế nhưng, trong đợt kiểm tra vừa qua, cơ quan chức năng xác định việc cấp GPXD ở những vị trí mới có quy hoạch phân khu 1/2.000 là không phù hợp và yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết 1/500. Đáng nói là huyện chỉ có quy hoạch phân khu 1/2.000 chứ rất ít khu dân cư có quy hoạch 1/500.

Về vấn đề này, ông Tống Đức Tiến, Trưởng Phòng Cấp phép xây dựng Sở Xây dựng TP, giải thích dù khu dân cư nông thôn được miễn GPXD nhưng phải là khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị hoặc được quy hoạch là điểm khu dân cư nông thôn. Điều này có nghĩa là được miễn có điều kiện và trong tương lai, một số công trình khác được miễn GPXD nhưng không phải cứ muốn xây là xây. Do đó, trước khi cấp GPXD, các huyện ngoại thành phải kiểm tra pháp lý, điều kiện kỹ thuật mà cơ sở là quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn. Điều oái oăm là TP có rất ít điểm dân cư nông thôn. Điển hình như huyện Bình Chánh vẫn còn 36 điểm dân cư nông thôn chưa được phê duyệt dù nhu cầu về xây dựng nhà ở của người dân rất lớn. Vậy nên, việc huyện Bình Chánh có thể làm là công bố rộng rãi những khu đất nào đang nằm trong quy hoạch để người dân "né".

Khó cưỡng chế
Đánh giá về tình hình trật tự xây dựng trong năm 2018, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho rằng số vụ việc vi phạm đã được kéo giảm và không có các vụ việc phức tạp, cùng với đó là sự trưởng thành của lực lượng thanh tra. Ông Tuấn đề nghị các địa phương đã có quyết định xử phạt thì phải quan tâm thực hiện, nhất là các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tập trung giải quyết trong tháng 12. Sở Xây dựng sẽ làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc để điều chỉnh nhằm tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến các quyết định cũ về cấp GPXD vẫn còn hiệu lực. Trong thời gian chờ điều chỉnh, việc cấp phép và quản lý sau cấp phép phải đối chiếu với quy hoạch phân khu được phê duyệt và Tiêu chuẩn 03/2012 của Bộ Xây dựng.

Đối với khu vực ngoại thành, ông Tuấn đề nghị các địa phương đã xác định điểm dân cư nông thôn thì khẩn trương lập hồ sơ thẩm định để có cơ sở thực hiện miễn cấp GPXD. Những vị trí nào đã nộp hồ sơ cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc mà chưa được duyệt, Sở Xây dựng sẽ trao đổi với giám đốc sở này để đẩy nhanh tiến độ.

Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP, khẳng định 100% công trình xây dựng đều được kiểm tra, xử lý nên không có tình trạng vi phạm xây dựng tràn lan, quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn khi Luật Đất đai 2013 không còn áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với công trình vi phạm. Còn Nghị định 139/2017/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn cũng không quy định việc ban hành quyết định đình chỉ thi công nên có tình trạng sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư tiếp tục xây dựng, tăng diện tích vi phạm dẫn đến khó khăn khi cưỡng chế.

Tổng hợp từ A - Z kinh nghiệm thuê phòng trọ quận 3 giá rẻ dành cho tân sinh viên