Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có mặt tại phòng làm việc của ông Phạm Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Kha Sơn, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đặt vấn đề tìm hiểu, lý do tại sao dân cắt bỏ lúa đang chín, sắp đến ngày thu hoạch để đổ đất, san nền thì ông Chủ tịch xã mới tá hỏa, yêu cầu cán bộ địa chính ra ngay hiện trường kiểm tra.
Đọc thêm: https://phuclongintech.vn/vo-tu-dien...ai-ha-noi.html

Nhiều diện tích lúa đang chín đã bị cắt bỏ để đổ đất san nền thành đất ở.
Tại hiện trường, thửa ruộng giáp quốc lộ 37, sáng ngày 13/5, mặt bằng khoảng 1.000m2, đất mới đổ, nền sắp đắp xong, lúa đang vào mẩy, sắp chín, nhưng bị cắt đi để đổ đất, ông Chủ tịch UBND xã Kha Sơn chỉ đạo cán bộ địa chính: Phải lập biên bản ngay và yêu cầu gia đình phải xúc đất, hoàn trả nguyên trạng ban đầu ruộng lúa. Như để phân bua, thanh minh cho "sự trong sáng", anh cán bộ địa chính nói với lãnh đạo xã: Sao đổ đất nhanh thế (?!).

Lãnh đạo xã Kha Sơn ngạc nhiên vì diện tích ruộng lúa bị đào đắp quá nhanh.
Anh cán bộ địa chính xã Kha Sơn tên Thắng đưa chúng tôi bộ hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người viết đơn ký tên ông Phạm Hữu Quang, SN 1985, xóm Hòa Bình (phố Chợ Đồn), xã Kha Sơn, diện tích xin chuyển đổi mục đích từ đất lúa sang đất ở nông thôn chỉ có 60m2, thửa đất 1688, tờ bản đồ địa chính số 10. Trong đơn, ông Quang đã cam kết sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, nộp tiền sử dụng đầy đủ, đúng hạn.

Nhiều người dân nghèo xót xa vì lúa sắp đến ngày thu hoạch bị cắt bỏ.
Qua tìm hiểu, một số người dân dọc quốc lộ (phố Chờ Đồn) chứng kiến sự việc, cho biết: Mấy ngày qua, nhiều xe tải cỡ lớn chạy rầm rập đổ đất lấp ruộng như đại công trường nhưng không thấy bóng dáng cán bộ nào kiểm tra. Đất mặt đường QL 37 có giá nên nhiều người đã lấp đất ruộng để phân lô, chia thửa để làm nhà hoặc chuyển nhượng. Cứ đổ đất rồi xin chuyển đổi mục đích từ đất lúa thành đất thổ cư, giá trị tăng gấp nhiều lần. Nhiều ý kiến lên án, việc cắt bỏ lúa đang vào mẩy, sắp chín để đổ đất san nền là tội ác bởi hạt gạo là “ngọc thực”.
Ông Chủ tịch xã Kha Sơn Phạm Văn Khải cho biết, trước mắt phải kiểm tra, nếu chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ lập biên bản ngay, xử lý trước theo thẩm quyền và báo cáo huyện. Không thể để tình trạng lợi dụng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có 60m2 rồi san đắp diện tích đất rộng lên đến hàng trăm m2 như thế, đây là coi thường chính quyền, coi thường pháp luật. Xã không chấp nhận sự việc đổ đất rồi xin hợp thức hóa đất đai như việc đã rồi để chuyển đổi những diện tích đó, không tạo tiền lệ xấu. Xã sẽ cương quyết xử lý nghiêm, yêu cầu gia đình phải xúc đất đi, hoàn trả mặt bằng ruộng trong vòng 1 tuần, nếu không sẽ cho cưỡng chế, cho máy móc xúc đất đổ đi, chi phí gia đình phải chịu.
Ông Khải cũng cho rằng, việc để dân tự ý san đắp ruộng làm nền thổ cư là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý đất đai, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu là Chủ tịch UBND xã. Thời gian tới, chính quyền sẽ tăng cường quản lý đất đai chặt chẽ hơn, nhất là đối với đất lúa theo tính thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Xã Kha Sơn tỷ lệ đói nghèo còn cao, việc cắt bỏ lúa đang chín, đổ đất san nền tạo nên sự phản cảm đối với dư luận. Hơn nữa, việc ngang nhiên tự ý san đắp mặt bằng không chỉ coi thường pháp luật mà còn có biểu hiện trốn thuế. Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xử lý.
Vụ việc trên được chính quyền các cấp huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên xử lý như thế nào, Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin.